Bệnh hôi nách và các bài thuốc dân gian chữa hôi nách

    Xem với phiên bản Google AMP
    Bệnh hôi nách, tên tiếng Anh là bromidrosis hoặc armpit smell, chỉ hiện tượng tỏa ra mùi hôi khó chịu từ vùng nách. Đây là bệnh khó chịu nhất trong các bệnh về mùi hôi cơ thể (body ordor) và khá khó chữa.

    Tại sao cơ thể và nhất là vùng nách có mùi hôi?

    Mùi cơ thể được tạo ra khi các vi khuẩn sống trên da phân rã các protein có trong mồ hôi thành các axit khác nhau. Nhiều người nghĩ rằng sự phát triển của vi khuẩn trên da gây nên mùi hôi cơ thể, nhưng thực tế chính quá trình phân rã protein đã tạo ra mùi hôi. Mỗi người có một mùi cơ thể riêng và mùi này bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như tuổi tác, chế độ ăn, sức khoẻ và giới tính.

    Cơ thể con người có hai loại tuyến mồ hôi: tuyến mồ hôi toàn vẹn và tuyến mồ hôi đầu hủy. Tuyến mồ hôi toàn vẹn (eccrine) là loại tuyến mồ hôi mà sau khi tiết ra mồ hôi thì cấu tạo tuyến vẫn nguyên vẹn, còn tuyến mồ hôi đầu hủy (apocrine) là loại tuyến sau khi chế tiết thì mất đi phần đầu của tuyến.

    Tuyến mồ hôi toàn vẹn (eccrine) nằm khắp nơi trên da, nhiều nhất ở lòng bàn tay, bàn chân. Mồ hôi do các tuyến này tạo ra sẽ tiếp xúc với bề mặt da thông qua một số ống dẫn. Tuyến này chỉ tiết ra hỗn hợp nước muối dùng để làm mát khi cơ thể bị quá nhiệt. Trong khi đó, tuyến mồ hôi đầu hủy (apocrine) hay còn được gọi nôm na là tuyến mồ hôi dầu có ở nách và vùng sinh dục, mí mắt và đầu vú, đây cũng chính là nơi bắt đầu những rắc rối về mùi cơ thể. Thay vì tiết mồ hôi trực tiếp qua lỗ thông trên da như eccrine, tuyến apocrine đưa mồ hôi vào nang lông, từ đó mồ hôi mới được đẩy gián tiếp lên da. Thành phần mồ hôi của apocrine tạo ra không phải hỗn hợp nước muối mà gồm protein, chất béo, và steroid - vốn là thực phẩm dành cho vi khuẩn. Bản thân các chất này khi vừa mới ra khỏi ống tuyến chưa có mùi hôi. Vi khuẩn sau khi "liên hoan" sẽ chuyển hóa và thải ra các chất có mùi.

    image

    Tuyến mồ hôi Eccrine (bên trái) và tuyến mồ hôi Apocrine (bên phải)

    Nhưng tại sao nách có mùi hôi hơn các bộ phận khác của cơ thể? Đơn giản vì mồ hôi nách có hàm lượng protein cao hơn, vi khuẩn phải làm việc nhiều hơn để phân huỷ các protein này và khi đó hốc nách chứa nhiều chất thải gây mùi hơn.

    Mùi mồ hôi ở cơ thể thì không ai tránh khỏi, tuy nhiên do cấu tạo của tuyến mồ hôi của mỗi người khác nhau nên mùi cơ thể cũng khác nhau. Có những người có mùi mồ hôi dễ chịu, nhưng có những người mùi mồ hôi lại rất khó chịu.

    image

    Các dấu hiệu của bệnh hôi nách

    Nách có mùi hôi giống như loài chồn hôi, lúc hoạt động nhiều mùi này càng khó chịu thấy rõ. Thậm chí nếu bạn không thay giặt quần áo thường xuyên cũng có mùi hôi rất khó chịu từ cánh áo. Mùi hôi nách nặng là khi bạn không vận động nhiều và có thể không ra mồ hôi nhưng vùng nách vẫn có mùi. Chủ nhân căn bệnh hôi nách này sẽ phải rất khó chịu, vì sau khi tắm xong bạn cũng chỉ khử được mùi trong chốc lát và phải nhờ tới sự trợ giúp của lăn khử mùi, sau khi hết mùi của lăn thì sẽ lộ mùi cơ thể bạn.

    Lông nách kết dịch. Trên lông nách có dịch dạng hạt nhỏ có màu vàng trắng. Thông thường, bạn nhớ là phải dọn "vi ô lông" thường xuyên nhé. Vì chúng cũng là nguyên nhân khiến cho vùng nách bạn có mùi hôi. Bạn nhớ là sử dụng dao cạo thay vì dùng nhíp vì nếu dùng nhíp để dọn "vi ô lông" rất có thể bạn sẽ bị lỗ chân lông to hơn, vùng nách trở nên thâm và xỉn màu.

    Phát hiện bệnh hôi nách thông qua ráy tai: Theo nghiên cứu mới đây nhất, thì đa số người bị bệnh hôi nách đều có ráy tai dạng ướt, có dịch ráy tai dạng dầu, dính ướt át.

    Các bài thuốc dân gian chữa hôi nách

    Hôi nách không thể chữa khỏi hoàn toàn mà chỉ có thể dùng các biện pháp khác nhau để cải thiện, giảm mùi hôi, giảm tiết mồ hôi. Người bị hôi nách có thể kết hợp các bài thuốc dân gian dưới đây để giảm bớt mùi hôi cơ thể.

    1. Dùng chanh

    Bạn cần: một quả chanh, một ít nước (tùy chọn).

    Cắt chanh thành hai nửa và chà trực tiếp lên nách. Để khô hoàn toàn trong khoảng 15 phút. Rửa sạch bằng nước ấm. Nếu bạn có làn da nhạy cảm, bạn có thể pha loãng nước chanh với một vài giọt nước rồi mới thoa lên nách. Có thể thực hiện hàng ngày.

    Bản chất có tính axit của chanh làm giảm độ pH của cơ thể, khiến vi khuẩn khó tồn tại trên da của chúng ta.

    2. Phèn chua

    Bạn cần: một ít phèn chua, rang lên, tán mịn.

    Sau khi tắm sạch, lau khô hốc nách, lấy bột phèn chua xát vào hai hốc nách. Mỗi ngày một lần. Bài thuốc này rất hiệu quả vì trong phèn chua có thành phần chính là nhôm sun - fat, khi mồ hôi ở nách tiết ra sẽ bị khử bởi chất này.

    3. Bạc hà, bạch chỉ

    Bạn cần: Bạc hà 10g, bạch chỉ 10g tán nhỏ.

    Tắm rửa sạch, rồi xát hai loại bột trên vào nách ngày 1 lần, 10 ngày là một liệu trình. Hai thành phần trên đều có tác dụng khử khuẩn, giảm tiết mồ hôi vùng nách.

    4. Gừng

    Bạn cần: Thân, rễ gừng tươi 20g (phơi hoặc sấy khô, tán mịn), long não 4g, trộn đều.

    Sau khi tắm xong xát hỗn hợp trên vào nách. Do gừng chứa tinh dầu và chất cay có tác dụng ngăn ngừa tiết mồ hôi, giúp da khô thoáng không có mùi khó chịu.

    5. Lá trầu không tươi

    Bạn cần: 4 lá trầu không tươi, rửa sạch.

    Sau khi tắm sạch, chà xát lá trầu vào hố nách. Làm liên tục trong 1 tháng sẽ cải thiện rất tốt tình trạng hôi nách do trầu không có tác dụng khử khuẩn rất tốt, hiệu quả khi khử mùi mồ hôi cơ thể.

    6. Thanh mộc hương

    Bạn cần: Thanh mộc hương (mật hương), hoắc hương, kê thiệt hương (mẫu đinh hương), hồ phấn (diên phấn) mỗi thứ 30g. Nghiền nhỏ mịn các dược liệu. Lấy vải bọc thuốc lại, hằng ngày để vào trong hố nách. Khi nào thấy thuốc hết mùi thì thay. Làm trong thời gian 10 - 15 ngày.

    7. Ngải cứu

    Bạn cần: ngải cứu phơi khô 20g, muối 200g, phèn chua 25g. Tất cả tán nhuyễn thành bột rồi đảo đều. Sau đó, cho hỗn hợp lên chảo rồi đảo nóng. Khi dùng đổ vào trong một túi vải nhỏ, kẹp vào nách khi còn nóng ấm trong khoảng 5 - 10 phút, làm liên tục trong 1 tháng sẽ có kết quả tốt.

    8. Một số loại dầu

    a. Dầu dừa

    Bạn cần: Dầu dừa, 1 muỗng cà phê bột xitric, 1 chén nước. Chà một ít dầu dừa trực tiếp lên nách. Sau đó tắm bình thường, cuối cùng trộn bột axit citric với nước rồi rửa lại vùng nách. Lau khô người rồi bôi dầu dừa. Làm hàng ngày. Dầu dừa giàu axit lauric, có khả năng loại bỏ vi khuẩn, do đó giúp loại bỏ mùi cơ thể.

    b. Dầu cây chè (tea tree oil).

    Bạn sẽ cần: 2 muỗng cà phê dầu cây chè; 2 muỗng canh nước.

    Pha loãng dầu cây chè với nước. Thoa hỗn hợp trực tiếp trên nách và các khu vực khác. Thực hiện hàng ngày để có kết quả tốt nhất.

    Dầu cây trà là một chất khử trùng tự nhiên và cũng được biết đến với tính chất kháng khuẩn của nó. Là một chất khử trùng, dầu cây trà có thể giúp ngăn ngừa vi khuẩn và nấm hiện diện trên da, do đó, ngăn ngừa sự xuất hiện của mùi hôi.

    c. Dầu hoa oải hương

    Bạn sẽ cần: 10 giọt tinh dầu oải hương; 3 muỗng cà phê bột bắp; 2 muỗng cà phê baking soda

    Trộn tinh dầu hoa oải hương với bột bắp và baking soda. Bảo quản hỗn hợp ở nơi tối trong vài ngày. Bôi lên vùng nách hàng ngày như một loại bột khử mùi tự nhiên.

    Tinh dầu hoa oải hương ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây mùi, trong khi bột ngô và baking soda giữ cho da khô, do đó ngăn ngừa sự tích tụ của vi khuẩn.

    d. Tinh dầu bạc hà

    Bạn sẽ cần: 10 giọt tinh dầu bạc hà; Nước; 4 muỗng canh dầu dừa hoặc dầu jojoba; 4 muỗng canh bột bắp; 4 muỗng canh baking soda.

    Bạn có thể thoa một vài giọt tinh dầu bạc hà trực tiếp hoặc trộn với nước và xịt lên nách của bạn.

    Nếu bạn muốn giữ cho nách khô, bạn cần trộn dầu bạc hà, dầu dừa / jojoba, bột bắp và baking soda. Làm lạnh hỗn hợp này và sử dụng khi cần thiết. Hỗn hợp này có thể được áp dụng hàng ngày.

    Bạc hà có các đặc tính kháng khuẩn và do đó có thể được sử dụng như một chất thay thế cho các chất khử mùi. Dầu dừa cũng kháng khuẩn và giúp tiêu diệt vi khuẩn hiện diện trên da. Bột ngô và baking soda giữ cho da khô và giảm tiết mồ hôi.

    e. Dầu Tamanu

    Bạn sẽ cần: Tinh dầu Tamanu, dầu oải hương hoặc dầu cây trà hoặc dầu bạc hà

    Thoa một vài giọt tinh dầu tamanu trực tiếp vào vùng có vấn đề hoặc trộn với bất kỳ loại tinh dầu nào được đề cập ở trên và thoa lên da bạn. Dầu này an toàn khi sử dụng hàng ngày.

    Dầu Tamanu có hương thơm sâu và được biết đến với đặc tính kháng viêm, kháng khuẩn, kháng nấm có thể giúp chống mùi hôi cơ thể.

    f. Dầu cây xô thơm (sage)

    Bạn sẽ cần: Tinh dầu xô thơm, Nước. Pha loãng dầu xô thơm với nước và phun trực tiếp lên da của bạn.

    Bạn cũng có thể ngâm cây xô thơm khô trong nước nóng và sử dụng nước này thoa lên các khu vực dễ bị mồ hôi của cơ thể. Tuy nhiên, dầu này không nên được sử dụng trên các khu vực nhạy cảm của cơ thể.

    Bản chất kháng khuẩn của cây xô thơm giúp chống lại vi khuẩn hiện diện trên da, đồng thời để lại một hương thơm dễ chịu.

    9. Dấm táo

    Bạn cần: một ít dấm táo, bông tẩy trang và nước. Dùng bông thấm dấm táo và thoa trực tiếp lên da vùng nách và các bộ phận khác của cơ thể. Ngoài ra, có thể lấy một nửa cốc dấm táo trộn với một cốc nước và sử dụng như một chất khử mùi. Có thể sử dụng thường xuyên.

    Dấm táo có tính axit nhẹ, có khả năng tiêu diệt và ngăn ngừa sự hình thành vi khuẩn, do đó có thể ngăn chặn sự xuất hiện của mùi hôi cơ thể.

    10. Muối Epsom

    Bạn cần một ít muối Epsom, nước nóng.

    Đổ đầy nước vào bồn tắm hoặc bể sục bằng nước nóng và đổ khoảng 2-3 cốc muối Epsom vào hoà tan. Ngâm mình trong bồn tắm và thư giãn. Bạn có thể áp dụng cách này 3 lần một tuần để có kết quả tốt nhất.

    Muối Epsom là một chất chống oxy hóa và giải độc cơ thể. Nó cũng giúp cơ thể chúng ta tạo ra một hoóc-môn gọi là serotonin, giúp thư giãn, giảm căng thẳng và điều này khiến cơ thể giảm tiết mồ hôi, từ đó giảm mùi hôi cơ thể.

    11. Trà hạt cỏ cà ri Fenugreek

    Bạn cần: 1 muỗng cà phê hạt cỏ cà ri Fenugreek, 250 ml nước

    Cho hạt cỏ cà ri vào nước và đun sôi cho đến khi lượng nước giảm xuống một nửa. Uống vào buổi sáng lúc dạ dày trống. Bạn có thể uống mỗi sáng để giải độc cơ thể.

    Hạt cỏ cà ri Fenugreek là một chất chống oxy hóa, giúp loại bỏ các độc tố từ cơ thể. Nó cũng có tính chất kháng khuẩn và ức chế bất kỳ nhiễm khuẩn nào lây lan xa hơn. Do đó trà Fenugreek được cho là chống lại mùi cơ thể một cách tự nhiên bằng cách xử lý nguyên nhân gốc rễ của nó.

    12. Hạt cây thì là

    Bạn cần: 1 muỗng cà phê hạt cây thì là nghiền nát, 1 chén nước, mật ong (tùy chọn).

    Đun sôi hạt cây thì là nghiền nát với một cốc nước, sau đó lọc lấy nước uống, thêm mật ong nếu cần. Uống vào mỗi buổi sáng cho đến khi bạn nhận được kết quả mong muốn.

    Một số thành phần có trong hạt thì là giúp kích thích và thúc đẩy sự tiết dịch tiêu hóa trong dạ dày, giúp nhuận tràng và có thể ngăn ngừa mùi cơ thể.

    13. Trà xanh

    Bạn cần: Lá chè xanh 5g, gừng tươi 1 miếng, Nước

    Đun sôi nước, ủ lá trà xanh với nước sôi và gừng. Để nguội và sau đó sử dụng nước trà thoa lên các vùng dễ bị mồ hôi của cơ thể. Bạn cũng có thể dùng nước lá trà xanh để tắm. Thường xuyên uống trà xanh cũng có thể giúp bạn đối phó với mùi hôi cơ thể. Tuy nhiên nước trà xanh chỉ nên dùng kết hợp với một vài biện pháp khác, vì nếu dùng hàng ngày có thể gây khô cho một số loại da.

    Các chất chống oxy hóa và axit tannic trong trà xanh giúp chống lại mùi cơ thể từ bên trong khi bạn uống trà. Còn khi thoa/tắm bên ngoài thì trà xanh giúp giữ cho da khô và hạn chế vi khuẩn.

    14. Baking Soda

    Bạn cần: 1 muỗng canh baking soda, Nước (tùy chọn)

    Lấy baking soda vào một cái bát và xoa vào tất cả các vùng dễ bị mồ hôi của cơ thể, chẳng hạn như nách. Ngoài ra, bạn có thể trộn baking soda với một vài giọt nước, bôi vào nách và để yên trong 10-15 phút, sau đó rửa sạch bằng nước ấm và lau khô bằng khăn. Bạn có thể thực hiện cách này hàng ngày trong một vài tuần.

    Baking soda có khả năng hấp thụ ẩm, và do đó, nó ngăn ngừa sự hình thành mồ hôi. Nó không chỉ giết chết vi khuẩn trên da mà còn kiềm hóa cơ thể và trung hòa mùi mà cơ thể chúng ta phát ra.

    15. Nước ép cà chua

    Bạn cần: 2 chén nước ép cà chua, 1 xô nước ấm

    Đổ nước ấm vào bồn tắm của bạn và cho nước ép cà chua vào. Ngâm mình trong bồn tắm và thư giãn trong 20 đến 30 phút. Bạn có thể làm theo cách này 3-4 lần một tuần

    Cà chua có tính axit nhẹ, giúp giết chết vi khuẩn hiện diện trên da trong khi các đặc tính làm se của nó giúp se khít lỗ chân lông và giảm tiết mồ hôi.

    Lưu ý: Khi bị hôi nách người bệnh cần tắm rửa thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn để làm sạch vi khuẩn trên da. Quần áo nên dùng loại vải cotton giúp thấm mồ hôi tốt và thay thường xuyên. Hạn chế ăn nhiều gia vị cay, nóng như: ớt, tỏi, hành,… Tránh các yếu tố gây gây xúc động, hồi hộp, lo sợ, nóng nảy... đều làm các tuyến mồ hôi hoạt động mạnh.

    H.T

    Tổng hợp

    VỀ CHÚNG TÔI

    CÔNG TY CỔ PHẦN DƯỢC TRUNG ĐÔNG
    Địa chỉ: Số 40, lô A, khu đô thị mới Đại Kim - Phường Định Công - Quận Hoàng Mai - Hà Nội. 
    GPKD số 0107787333 do Sở KH và ĐT TP Hà Nội cấp ngày 03/04/2017
    GĐ/Sở hữu website: Nguyễn Văn Thành

    Thực phẩm Thosamin này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh
    Giấy xác nhận quảng cáo số: 00819/2018/ATTP-XNQC

    LIÊN HỆ

    Để mua sản phẩm xin quí khách Liên hệ với các cơ sở gần nhất hoặc liên hệ với chúng tôi theo

    Tel: 043 5810236
    Email: duoctrungdong@gmail.com
    Website: https://duoctrungdong.com
    Đã thông báo với bộ công thương

    ĐĂNG KÝ LÀM ĐẠI LÝ PHÂN PHỐI